THỰC HIỆN PHÁP LUẬT, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH
Bài tuyên truyền Về Cải cách hành chính và Thủ tục hành chính nhà nước
04/04/2023 09:20:07

Bài tuyên truyền Về Cải cách hành chính và Thủ tục hành chính nhà nước

BÀI TUYÊN TRUYỀN

Về Cải cách hành chính và Thủ tục hành chính nhà nước

1. Cải cách hành chính là gì?

Từ nhiều năm nay, cải cách hành chính đã là một vấn đề mang tính tương đối phổ cập của xã hội Việt Nam. Người dân, tổ chức cảm nhận được kết quả, tác động của cải cách hành chính một cách trực tiếp nhất khi có việc phải tiếp xúc, giải quyết công việc với các cơ quan hành chính nhà nước. Vậy cải cách hành chính là gì?

Nói đầy đủ thì phải gọi là cải cách hành chính nhà nước. Thêm từ nhà nước vào là để phân biệt với cải cách hành chính không chỉ diễn ra ở khu nhà nước, mà còn ở các tổ chức, cơ quan, nhất là doanh nghiệp tư nhân, tức là khu vực tư nhân. Yếu tố quản trị, hành chính trong các doanh nghiệp khu vực tư cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp và nếu không đổi mới, cải cách thì hoạt động của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, hiệu quả thấp.

Như vậy, cải cách hành chính là một sự thay đổi có kế hoạch, theo một mục tiêu nhất định được xác định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm tạo ra những thay đổi trong các yếu tố cấu thành của nền hành chính, làm cho các cơ quan hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn.

Nhiệm vụ của cải cách hành chính, bao gồm:

- Cải cách thể chế

- Cải cách thủ tục hành chính

- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

- Cải cách tài chính công

- Hiện đại hóa hành chính.

2. Thủ tục hành chính là gì?

Thủ tục hành chính (TTHC) là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức. Thông qua TTHC người dân có thể dễ dàng thực hiện được quyền của mình.

Một TTHC bao gồm các bộ phận tạo thành cơ bản sau:

- Tên TTHC;

- Trình tự thực hiện: (bao gồm cả thời gian, địa điểm thực hiện TTHC);

- Cách thức thực hiện;

- Thành phần, số lượng hồ sơ:

- Thời hạn giải quyết;

- Đối tượng thực hiện TTHC;

- Cơ quan giải quyết TTHC;

- Kết quả thực hiện TTHC;

- Phí, lệ phí (nếu có);

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (nếu có, đính kèm ngay sau TTHC);

- Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC (nếu có);

- Căn cứ pháp lý của TTHC.

Như vậy, một TTHC phải đảm bảo đủ các nội dung nêu trên. TTHC càng được quy định rõ ràng, cụ thể bao nhiêu sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân.

          3. Cải cách thủ tục hành chính

          Cải cách hành chính là một sự thay đổi có kế hoạch, theo một mục tiêu nhất định, được xác định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cải cách hành chính không làm thay đổi bản chất của hệ thống hành chính, mà chỉ làm cho hệ thống này trở nên hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân được tốt hơn; các thể chế quản lý nhà nước đồng bộ, khả thi, đi vào cuộc sống hơn; cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính hiệu quả, hiệu lực hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội của một quốc gia.

        Cải cách thủ tục hành chính là cải cách các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền; cải cách các quy định về các loại thủ tục hành chính; cải cách việc thực hiện các thủ tục hành chính.

        Ý nghĩa của cải cách thủ tục hành chính, nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính; loại bỏ những rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. 

        Nội dung của cải cách thủ tục hành chính bao gồm những vấn đề sau đây:

·                  Cơ chế một cửa và một cửa liên thông

·                  Kiểm soát thủ tục hành chính

·                  Đánh giá tác động thủ tục hành chính

·                  Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính

·                  Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị

          Mục đích của cải cách thủ tục hành chính là:

+ Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

+ Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chương trình cải cách hành chính năm 2022; đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ công tác cải cách hành chính năm 2022. Tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung và mục tiêu, nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao để huy động và phát huy tối đa mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác CCHC.

+ Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức tạo chuyến biến tích cực, rõ nét trong thực thi công vụ phục vụ nhân dân.

+ Góp phần hiện đại hóa nền hành chính, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước, đảm bảo tiến độ, hiệu quả, gắn với mở rộng và nâng cao hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn, phục vụ tích cực cho việc đổi mới phương thức quản lý điều hành của bộ máy, đặc biệt trong giải quyết công việc…

+ Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa theo hướng văn minh, hiện đại.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ VĨNH HƯNG - HUYỆN BÌNH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Phạm Ngọc Sử

Địa chỉ: Thôn Lại- xã Vĩnh Hưng- huyện Bình Giang- tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 02203.777.286 , 0982 359 957 ( đ/c Sử) hoặc 0972 438 219 (đ/c Quang)

Email: quang87vt@gmail.com

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0